Với các gia chủ lần đầu tiên mua chung cư chắc chắn sẽ trong tâm trạng háo hức mong chờ đến ngày được bàn giao căn hộ. Nhưng cũng chính vì thế, họ sẽ không biết mình nên làm gì để tránh được những sai sót, phát sinh về sau cho căn hộ.
Thực tế, sẽ không có gì quá khó khăn trong quá trình nhận căn hộ, nhưng để chắc chắn và đảm bảo lợi ích của mình, bạn nên bỏ túi các kinh nghiệm nhận bàn giao chung cư dưới đây!
Kiểm tra – đối chiếu hồ sơ
Khi đến nhận bàn giao chung cư, nhân viên phụ trách bàn giao căn hộ sẽ cung cấp thông tin, hồ sơ để bạn đối chiếu và kiểm tra. Trên thực tế, hồ sơ này sẽ bao gồm:
- Hồ sơ bàn giao từ nhà thầu thi công cho chủ đầu tư
- Hồ sơ bàn giao từ chủ đầu tư cho Ban quản lý chung cư hoặc hồ sơ bàn giao cho người mua
Ngoài ra, bạn cũng cần có những loại giấy tờ sau theo Khoản 3 Điều 124 Luật Xây Dựng quy định gồm bản vẽ hoàn công, các quy trình hướng dẫn vận hành, các quy trình bảo trì công trình, hay danh mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu cần thiết có liên quan khác.
Chỉ khi đảm bảo đủ các giấy tờ trên thì điều kiện về hồ sơ mới đảm bảo được tính hợp pháp và an toàn cho cả bên bán lẫn bên mua.
Kiểm tra tình trạng căn hộ
Sau quá trình kiểm tra – đối chiếu hồ sơ bàn giao căn hộ chung cư, bước quan trọng tiếp theo bạn cần chú tâm đến đó là việc kiểm tra tình trạng, các hạng mục căn hộ sẽ phục vụ cho sinh hoạt của bạn sau này. Với chung cư, người mua sẽ được phổ biến về các hạng mục thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng. Vậy với những phần này, ta cần kiểm tra những gì?
Đối với phần sở hữu chung
Các phần thuộc sở chung của chung cư – là các không gian và hệ thống kết cấu chịu lực cũng như trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong toàn chung cư. Nói dễ hiểu hơn là các khu vực – thiết bị như: sân thượng, cầu thang bộ, hành lang, thang máy, lối thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc…
Ở phần sở hữu này nhân viên phụ trách bàn giao căn hộ sẽ giải đáp chi tiết về tình trạng căn hộ bao gồm các trang thiết bị đã lắp đặt theo danh mục được ghi trong hợp đồng mua bán, giới thiệu các vị trí quan trọng ngoài căn hộ: thang thoát hiểm, thang máy, nơi thu gom rác,… để người mua nắm rõ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần kiểm tra thật kĩ các hạng mục đó để tránh các sự cố không đáng có về sau bằng cách:
Kiểm tra hệ thống thang máy tòa nhà
- Kiểm tra việc đóng mở của cửa cabin có hoạt động ổn định không, nhanh hay chậm so với cảm nhận cá nhân.
- Kiểm tra hoạt động của thang bằng cách bấm thang di chuyển lên xuống để xem thang có đưa bạn đến đúng tầng và sảnh mong muốn hay không.
Kiểm tra kỹ hệ thống phòng cháy chữa cháy
Phòng cháy chữa cháy là điều kiện rất quan trọng với những tòa nhà cao tầng, đặc biệt là chung cư. Để kiểm tra hệ thống này bạn hãy yêu nhân viên phụ trách dẫn đến vị trí đặt hộp PCCC gần nhất để tiến hành kiểm tra:
- Bạn hãy thử chuông báo cháy để xem hệ thống báo cháy có hoạt động tốt không. Tiếp đó là kiểm tra đầu phun nước phòng khi có hỏa hoạn.
- Kiểm tra hộp cứu hỏa ở vị trí gần nhà nhất để phòng khi có hỏa hoạn
- Xem thêm thiết bị chữa cháy khác như búa chữa cháy, áo mũ bảo hộ, vòi nước,…
Kiểm tra các khu vực chung khác
Các khu vực chung có thể là sân thượng, lối thoát hiểm, cầu thang bộ, bạn nên xem xét các không gian đó có thuận lợi cho việc di chuyển sử dụng hay không. Đặc biệt hơn, ngoài sự an toàn cho cư dân, còn phải đảm bảo an ninh tốt, tránh những sự cố mất điện thường xuyên ở khu vực lối thoát hiểm, hay sân thượng nguy hiểm.
Đối với phần sở hữu riêng
Phần sở hữu riêng hiểu cơ bản chính là diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền. Với phần này bạn cần kiểm tra các bộ phận sau:
Đối với phần thô
- Kiểm tra tường nhà có bị nứt hay không, trường hợp bị nứt phải xử lý ngay kể cả là nứt một phần nhỏ để tránh ảnh hưởng đến sơn tường.
- Kiểm tra phần sơn tường và trần xem có vết bẩn bẩn, hay bị cào xước, sơn không phẳng hay không. Lưu ý ở vị trí chiều cao thường bố trí đà giáo 1,5m đến 1,8m cần kiểm tra kỹ càng vì sẽ thường hay bị lỗi này.
- Kiểm tra màu sơn tường có đồng đều hay không. Tránh tình trạng loang lỗ đặc biệt ở các khu vực công tắc, điều hòa…
- Kiểm tra phần ban công có sạch sẽ hay không và hệ thống thoát nước có bị tắt nghẽn không.
Đối với đường điện nước
Bạn phải yêu cầu chủ đầu tư đưa bản vẽ đường điện nước và các vật dụng hiện hữu trong căn hộ để kiểm tra.
- Đánh giá tình trạng đường điện bằng cách bật hết tất cả các công tắt, dùng bút thử điện thử từng ổ, yêu cầu các ổ cắm phải tắt khi đóng aptomat. Trường hợp phòng tắm có máy nước nóng lạnh thì phải kiểm tra xem có dây mass chống giật chưa.
- Kiểm tra hệ thống điều hoà xem có chạy ổn định, bình thường không, cục nóng của máy có bị rò rỉ nước không hay đường ống có bị nhô ra ngoài không.
- Với khu vực nhà vệ sinh, bạn nên kiểm tra kỹ hệ thống thoát sàn có đảm bảo thoát nước tốt không, nắp thoát có gặp vấn đề gì không và phải đảm bảo khi dội nước thì phải thoát khô sàn không đọng nước.
- Kiểm tra các vòi sen có bị rỉ nước không, trường hợp bị thì phải yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu sửa chữa ngay.
Đối với phần nội thất
Với những căn hộ đã có sẵn những món nội thất cơ bản, bạn cần kiểm tra các hạng mục sau:
- Các cánh tủ mở, bản lề có dễ dàng, có bị lệch nhau hay không. Đồng thời, kiểm tra các ray trượt, ngăn kéo có bị rỉ, trượt êm hay không.
- Với phần sàn gỗ, kiểm tra độ cứng cáp, không nên bỏ qua tình trạng bị ép, lún, phồng, ọp ẹp, nứt và có khe hở với len tường hay bị rộp do thấm nước.
- Với cửa trượt, không để cửa bị xước hay chân cửa có lỗi hở trên dưới, không cân và bị vênh.
Đo đạc và kiểm tra diện tích căn hộ theo bản vẽ
Trước khi đặt bút ký vào biên bản bàn giao căn hộ, bạn cần phải đo đạc lại diện tích các phòng để tính diện tích của cả căn hộ. Đây là bước mà các chủ căn hộ hay quên mà khi họ ký xong rồi mới nhớ đến, hãy lưu ý và đừng quên!
Diện tích được ghi trên sổ đỏ phải đúng với hợp đồng, nếu có sai lệch trên dưới 2m2 thì sẽ được trả hay nộp thêm tiền mua căn hộ. Với trường hợp trên dưới 5m2 thì bạn có quyền từ chối nhận căn hộ.
Ký biên bản và nhận bàn giao căn hộ
Sau quá trình kiểm tra tình trạng căn hộ và đo đạc diện tích, bạn sẽ xác nhận với nhân viên phụ trách về việc có đồng ý tiếp nhận căn hộ hay không. Nếu bạn đồng ý thì ký biên bản, nhận chìa khóa, sổ tay cư dân và quy chế sử dụng chung cư. Chỉ khi xác nhận về giấy tờ thì về sau Tòa án mới bảo vệ quyền lợi cho bạn nếu có tranh chấp, do vậy cần đọc kĩ mọi điều khoản trên hợp đồng/ biên bản. Nếu không đồng ý thì nhận viên sẽ ghi nhận các đóng góp ý kiến và giải quyết.
Kinh nghiệm nhận bàn giao chung cư không quá phức tạp, chỉ cần bạn nắm được những bí quyết trên, chắc chắn sẽ không gặp những phát sinh, sai sót không mong muốn. Mong rằng, những kiến thức mà Mạnh Hệ chia sẻ trên đây sẽ thật có ích cho bạn khi lần đầu mua căn hộ. Nếu có nhu cầu thiết kế – thi công nội thất cho căn hộ của mình, hãy liên hệ Mạnh Hệ, mọi tư vấn đều là MIỄN PHÍ. Không quan trọng bạn có lựa chọn chúng tôi hay không, miễn là những gì chúng tôi mang lại đều có giá trị, chúng tôi sẵn lòng!
>>> Xem ngay! 20+ Mẫu thiết kế nội thất căn hộ chung đẹp nhất, xu hướng nhất 2024 <<<